Trải qua vòng sơ tuyển với 40 giờ từ lên ý tưởng, lập trình và vòng voting, Hope Team đến từ Đại học FPT với ý tưởng “Ứng dụng tích hợp camera phát hiện ra người bị ngã và gửi cảnh báo tới người thân và cơ sở y tế” đã xuất sắc bước vào chung kết Hackathon Vietnam AI Grand Challenge 2019.
Sự kiện Hackathon Vietnam AI Grand Challenge do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Kambria cùng các đối tác tổ chức. Tham gia vòng sơ tuyển tại Hà Nội, đội thi đến từ Đại học FPT, giống như các đội thi khác, có hơn 40 tiếng để lên giải pháp và lập trình tại chỗ với đề bài là: các sản phẩm trợ lý ảo sử dụng công nghệ AI…
Nhóm Hope Team bao gồm các thành viên: Mentor Vũ Thành Đạt cùng 5 thành viên Nguyễn Đình Trà, Phan Hồng Quang, Trần Hải Anh, Nguyễn Long Dương và Dương Hồng Anh. Các bạn hiện đều là thành viên ban Chuyên môn Câu lạc bộ AI Đại học FPT có cùng chung với sự đam mê và mong muốn học hỏi thêm kinh nghiệm cũng như kiến thức, nên đã lập ra 1 nhóm để tham gia cuộc thi.
“Ứng dụng tích hợp camera phát hiện ra người bị ngã (detect human fall) và gửi cảnh báo tới người thân và cơ sở y tế” của nhóm hướng tới đối tượng là người cao tuổi trong không gian tại nhà. Ý tưởng này xuất phát dựa trên thực trạng ở các gia đình hiện nay – rất nhiều người cao tuổi phải ở nhà một mình hay thiếu đi sự chăm sóc của người thân. Để giải quyết vấn đề này, nhóm đã đưa ra ý tưởng tích hợp một ứng dụng AI vào camera để phát hiện ra người bị ngã, sau đó gửi cảnh báo tới những người hay đơn vị liên quan nhằm sơ cấp cứu kịp thời.
Mặc dù nhóm đưa ra rất nhiều ý tưởng sau đó phản biện nhau để tìm ra ý tưởng phù hợp nhất về các yếu tố kỹ thuật, kiến thức, khả năng thành công và thời gian thực hiện, tuy nhiên khi bắt tay vào thực hiện, nhóm đang gặp rất nhiều những khó khăn. Hiện tại, cả nhóm đang gấp rút hoàn thiện sản phẩm để tham dự chung kết. Các bạn đang gặp khó khăn là nhóm mới thành lập, thành viên chủ yếu là K14 (sinh viên năm nhất Đại học FPT) chưa được học chuyên ngành nên các bạn vừa làm vừa tự học hỏi nghiên cứu rất nhiều. Về mặt kỹ thuật, nhóm đang có một vấn đề là việc phát hiện người bị ngã và người bị nằm tương đối khó vì vector chuyển động khá giống nhau. Bên cạnh đó, còn một số vấn đề kỹ thuật đặc biệt mà nhóm đang cố gắng tìm ra giải pháp. Vì đang trong quá trình hiện thực hoá ý tưởng, chưa có sản phẩm thực tế để thử nghiệm nên hiện tại nhóm chưa đánh giá được chính xác tính ứng dụng, nhưng các thành viên đều tin tưởng và hi vọng sản phẩm sẽ có tính ứng dụng cao.
Trưởng nhóm Nguyễn Đình Trà – sinh viên K14 chuyên ngành Khoa học máy tính chia sẻ: “Nhóm vẫn đang tự học, tự triển khai sản phẩm. Các thành viên đều là sinh viên năm nhất, những kiến thức chuyên môn bọn em được học đều từ anh Đạt (Mentor Vũ Thành Đạt). Việc ưu tiên của nhóm bây giờ là hoàn thiện sản phẩm một cách tốt nhất để tham gia chương trình chứ chưa nghĩ xa hơn là sẽ start up”.
Mong muốn của nhóm khi tiến vào chung kết đó là được kết được kết nối với các mentor kỹ thuật đã đi trước về AI cũng như mentor kinh doanh (business) để cải thiện về cả kỹ thuật lẫn yếu tố ứng dụng sản phẩm. Ngoài ra nhóm cũng mong muốn được học hỏi thêm từ các đội thi khác.