Nhằm nâng cao trải nghiệm học tập cho sinh viên thiết kế đồ họa, giảng viên Greenwich Việt Nam đã vận dụng sáng tạo các nền tảng trải nghiệm thực tế ảo để tạo nên các “bảo tàng” cho sinh viên thỏa sức trưng bày đồ án tốt nghiệp.
“Bảo tàng ảo” là sáng kiến của Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn – Chủ nhiệm bộ môn Thiết kế đồ họa, Greenwich Việt Nam cơ sở Hồ Chí Minh. Đây là một trong những giải pháp được nghiên cứu đưa vào triển khai để tăng cường trải nghiệm dạy và học cho sinh viên Greenwich.
Theo quy định chuẩn chương trình đào tạo của Đại học Greenwich, Vương Quốc Anh, sinh viên ngành thiết kế đồ họa phải được mở các triển lãm trưng bày sản phẩm sáng tạo và đồ án tốt nghiệp tại trường. Đáp ứng yêu cầu đó, tất cả các cơ sở của Greenwich Việt Nam đã có khu vực, không gian lãm riêng, rộng rãi và hiện đại như một “bảo tàng thu nhỏ”.
Các phòng trưng bày này cũng là không gian nghệ thuật và sáng tạo đặc trưng của Greenwich Việt Nam tại các cơ sở. Tuy nhiên, cùng với xu hướng số hóa mạnh mẽ trong thời buổi hiện nay và cũng nhằm mục đích lan tỏa các tác phẩm nghệ thuật của sinh viên đến đông đảo công chúng, việc đưa các tác phẩm trưng bày lên nền tảng số là cần thiết. Đây cũng chính là lý do sáng kiến “bảo tàng ảo” của Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn đã ra đời.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn, “bảo tàng ảo” gồm không gian triển lãm 2D và triển lãm 3D.
Phần triển lãm online (2D): sử dụng nền tảng Piwigo (miễn phí) để tạo ra một triển lãm được tổ chức dưới dạng thư mục hình ảnh và video của từng tác giả, từng môn học, hoặc từng lớp học, từng trường phái với nhiều loại hình thiết kế sáng tạo khác nhau… Các hình ảnh (artworks) sẽ được đăng tải cùng với đầy đủ thông tin cho mỗi hình ảnh. Người xem cũng có thể tìm kiếm thông tin, bình luận, chia sẻ để quảng bá hình ảnh và sản phẩm trong triển lãm này lên mạng xã hội. Phòng triển lãm online 2D cũng đưa ra các quy chuẩn về kích thước, dung lượng, bố cục tổ, chức hình ảnh,… nhất định để sản phẩm của mỗi tác giả có thể hiển thị một cách hiệu quả và thẩm mỹ nhất trên nền tảng này.
Phần triển lãm trong không gian bảo tàng ảo (3D): ứng dụng nền tảng Oarbt để tạo ra Virtual Exhibition. Triển lãm ảo trên nền oarbt.com rất nhẹ và hoàn toàn miễn phí đối với một phòng triển lãm ảo có sức chứa khoảng 100 hình ảnh (artworks). Tác giả sẽ thiết kế, bố cục, tổ chức hình ảnh, chia cắt không gian triển lãm… để tạo ra một không gian triển lãm hiệu quả, thẩm mỹ, ấn tượng và đem lại trải nghiệm tốt cho người xem.
Sáng kiến của tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn là một trong rất nhiều nỗ lực của đội ngũ đào tạo tại Greenwich Việt Nam trong việc liên tục cải tiến chương trình, phương pháp đào tạo nhằm mang đến cho sinh viên những trải nghiệm học tập chất lượng và bổ ích.
Sáng kiến này được kỳ vọng không chỉ ứng dụng tốt trong thời điểm dịch bệnh mà sẽ là một kênh quảng bá tác phẩm sinh viên quan trọng bên cạnh các triển lãm thực tế tại trường để phô diễn năng lực, trình độ và kiến thức của sinh viên Greenwich đến công chúng, doanh nghiệp và nhà tuyển dụng tương lai.
Hiện tại, sáng kiến của Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn đã được công nhận và lọt vòng thẩm định cuộc thi iKhiến FPT Edu 2022. Trong thời gian tới, Greenwich Việt Nam dự kiến sẽ sớm áp dụng đồng thời triển lãm trực tiếp và triển lãm trực tuyến theo sáng kiến của thầy Nguyễn Đức Sơn nhằm mang đến cho sinh viên của mình những trải nghiệm tốt nhất và đa dạng nhất.