Đứng trước xu thế công nghệ hóa trên toàn thế giới, không ít trẻ em dần bị phụ thuộc vào các thiết bị điện tử thông minh dẫn đến những hậu quả khôn lường. Trước thực trạng này, sinh viên Greenwich Việt Nam đã thiết kế boardgame Sō mang đậm tính giáo dục, khuyến khích trẻ em tìm hiểu về nền nông nghiệp.
Board game chủ đề nông trại do sinh viên Greenwich Việt Nam thiết kế.
Ngành Thiết kế đồ họa & Kỹ thuật số là một trong những ngành “hot” thu hút rất nhiều bạn trẻ theo học hiện nay, tuy nhiên nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực thiết kế đồ họa tại Việt Nam hiện chưa nhiều. Xác lập kỷ lục Việt Nam năm 2022 về triển lãm do sinh viên tổ chức có số lượng tác phẩm đồ họa ứng dụng AR nhiều nhất được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận, Greenwich Việt Nam trở thành một trong các cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành Thiết kế đồ họa & Kỹ thuật số uy tín hàng đầu tại Việt Nam.
Nguyễn Vũ Huyền Anh – sinh viên năm cuối ngành Thiết kế đồ họa & Kỹ thuật số tại Greenwich Việt Nam mới đây đã thiết kế một boardgame mang tên Sō xoay quanh chủ đề nông nghiệp dành cho trẻ em.
Huyền Anh – tác giả của boardgame Sō dành cho trẻ em hiện là sinh viên năm cuối ngành Thiết kế đồ họa & Kỹ thuật số tại Greenwich Việt Nam.
Trò chơi điện tử phát triển mạnh kéo theo nỗi lo của các bậc phụ huynh về việc con mình “nghiện” game gây ra các vấn đề sức khỏe và tâm lý cho trẻ. Chính vì vậy, các gia đình và các nhà giáo dục đều quan tâm đến việc tìm kiếm những sản phẩm đồ chơi giáo dục giúp trẻ phát triển toàn diện.
Thị trường đồ chơi Việt Nam trong những năm gần đây cũng có những bước tăng trưởng đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trình độ phát triển và chất lượng sản phẩm đồ chơi còn thấp so với các nước trong khu vực. Hầu hết các sản phẩm chưa có khả năng cạnh tranh cao. Bởi vậy ý tưởng về boardgame Sō được ra đời.
Sō là phát âm của từ “Sow” tiếng Việt nghĩa là “gieo”. Bằng cách cho trẻ em đắm chìm trong không gian học tập sáng tạo, đồ án tốt nghiệp của Huyền Anh có mục đích làm sâu sắc thêm sự hiểu biết của họ về cuộc sống nông thôn và trau dồi một ý thức bảo vệ môi trường, thiên nhiên. Sản phẩm nhằm kích thích trí tưởng tượng, óc sáng tạo của trẻ. Hỗ trợ phát triển các kỹ năng sống và xã hội, giúp trẻ học hỏi những điều mới về cuộc sống và tăng cường sự phát triển toàn diện của trẻ. Ngoài ra, Sō cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các hoạt động hấp dẫn kết hợp với giáo dục trong giai đoạn phát triển quan trọng này của trẻ.
Boardgame dành cho trẻ em được Huyền Anh thiết kế vô cùng bắt mắt với các tông màu tươi sáng, nổi bật.
Sō là một boardgame dành cho trẻ em, giúp chúng khám phá quy trình phát triển của bốn loại cây trồng phổ biến quanh năm. Mỗi người chơi sẽ chăm sóc khu vườn của riêng mình cho đến khi đạt được số điểm cao. Để đạt được điều này, người chơi sẽ học các chiến lược để sử dụng các thẻ chức năng một cách hiệu quả. Sō khuyến khích bản chất hướng ngoại và niềm đam mê khám phá và tham gia vào quá trình trồng trọt.
Với thiết kế bắt mắt, dự án boardgame Sō nhận được nhiều lời khen từ hội đồng phản biện của Greenwich Việt Nam.
Huyền Anh chia sẻ, quá trình hoàn thiện đồ án đã giúp bạn tìm hiểu sâu hơn về ngành nông nghiệp và việc trồng trọt, cũng như các cơ hội và thách thức trong lĩnh vực này. Huyền Anh đã thành công cải thiện một thể loại boardgame mới mang lại hứng thú và thách thức nhưng vẫn giữ nguyên được mục đích giáo dục đã đề ra ban đầu.
Huyền Anh trong buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp tại Greenwich Việt Nam.
Trong quá trình thực hiện đồ án, Huyền Anh cũng gặp phải một số khó khăn nhất định, cô bạn bộc bạch: “Phần mà em đã bỏ nhiều công sức và quan trọng nhất trong quá trình làm đồ án là phát triển phần gameplay. Bởi vì một trò chơi chất lượng phụ thuộc chủ yếu vào cách thức người chơi tương tác và trải nghiệm trò chơi, đồng thời cần đảm bảo rằng trò chơi không gặp vấn đề về lỗi và không trở nên quá dài hay chán ngắt.”
ThS. Rian Dimas Permana Kusumah – giảng viên hướng dẫn lớp Design Research Project K10 mà Huyền Anh theo học nhận xét:
“Dự án có ý nghĩa và phù hợp cho việc giáo dục trẻ em. Chủ đề cũng rất thú vị: giáo dục nghề nông cho trẻ em, trong đó phương pháp tiếp cận vui tươi được sử dụng để truyền tải kiến thức. Dự án này có cơ hội lớn trở thành một sản phẩm thực tế, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các quốc gia khác có nền văn hóa canh tác tương tự. Môn Design Research này là môn đầu tiên tôi dạy cho Huyền Anh. Em ấy là một sinh viên độc lập, học tập tốt và rất giỏi trong việc tiếp nhận các phản hồi từ giảng viên. Tôi hy vọng rằng trong tương lai em ấy sẽ phát triển tốt hơn nữa.”
Thầy Rian (trái) dành lời khen cho đồ án tốt nghiệp của Huyền Anh.
Trong tương lai, Huyền Anh hy vọng boardgame của mình sẽ có cơ hội đưa ra thị trường lớn hơn.
“Em sẽ sửa đổi hộp đựng thành hộp nhỏ hơn và làm từ gỗ thật để tạo vẻ đẹp tự nhiên cho sản phẩm. Điều này đồng nghĩa với việc cung cấp tính bền vững và độ bền cao cho hộp, đồng thời mang lại cảm giác chất lượng cho người dùng. Tuy nhiên, nếu sản phẩm được dùng để giáo dục các bạn trẻ ở miền núi hay nông thôn, em sẽ thay đổi thiết kế sang hộp giấy nhỏ gọn và tiện lợi hơn để giảm chi phí sản xuất và tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển và phân phối trong các vùng khó tiếp cận.” – cô bạn hào hứng chia sẻ.
Mong rằng những sản phẩm trò chơi thú vị, mang nhiều tính giáo dục sẽ được những bạn trẻ như Huyền Anh phát triển nhiều hơn nữa, đem đến cho trẻ em những lựa chọn phong phú về các trò chơi tuổi thơ, hạn chế việc lạm dụng các thiết bị điện tử thông minh.