Vừa qua, các bạn sinh viên Đại học Greenwich đã có cơ hội được giao lưu, gặp gỡ với đại diện của các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau như truyền thông, tài chính và quản lý chung trong buổi seminar “What are employers looking for?”. Thông qua các câu chuyện, chia sẻ từ các khách mời, các bạn sinh viên đã có thêm những hành trang cần thiết cho bản thân để tham gia vào thị trường lao động đầy cạnh trang ngày nay.
Tham gia buổi nói chuyện là những nhân vật đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tuyển dụng: Ông Hoàng Việt Hà – Giám đốc hoạt động của Tập đoàn FPT, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP HIPT.; Bà Thái Việt Anh – Công ty chứng khoán dầu khí (PSI); Ông Lương Văn Hà – đồng sáng lập Công ty tổ chức sự kiện và truyền thông Say Cheese. Thông qua phần chia sẻ vô cùng sinh động và thu hút của các diễn giả, các bạn sinh viên đã có cái nhìn chân thực về thị trường tuyển dụng ở thị trường Việt Nam hiện nay, cũng như những điều mà nhà tuyển dụng mong chờ và đánh giá cao ở các thí sinh khi tham gia ứng tuyển vào các vị trí trong doanh nghiệp.
Trong các yếu tố được đề cập, yếu tố “Kinh nghiệm làm việc” được đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng nhất mà nhà tuyển dụng quan tâm. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào từng lĩnh vực mà nhà tuyển dụng sẽ xem xét các kĩ năng và khía cạnh khác của ứng viên. Ví dụ như với lĩnh vực Truyền thông, ông Lương Văn Hà cho biết: “Chúng tôi luôn muốn tìm kiếm những ứng viên có sức sáng tạo, đôi khi là có những ý tưởng có phần “crazy” (điên rồ)”. Còn với Bà Việt Anh và Ông Việt Hà – những người đã chinh chiến lâu năm trong lĩnh vực tài chính, quản lý thì bên cạnh kinh nghiệm làm việc; trình độ, bằng cấp và ngoại ngữ là những yếu tố được những nhà tuyển dụng này quan tâm. Bà Việt Anh cũng đánh giá cao những sinh viên được tham gia các chương trình đào tạo quốc tế ở Việt Nam bởi đa số các sinh viên đó không những được tiếp cận những kiến thức, phương pháp học tập quốc tế hiện đại mà còn có những nhìn nhận, hiểu biết về môi trường kinh doanh ở Việt Nam – điều mà các du học sinh Việt Nam ở nước ngoài đôi khi không thể nắm bắt hết được.
Sự sinh động và thu hút trong những câu chuyện của các khách mời khiến cho không khí của buổi seminar vô cùng thoải mái và thân thiện.
Một phần thú vị nữa trong buổi seminar “What are employers looking for?” là các bạn sinh đã được học cách để xây dựng “thương hiệu cá nhân” – một kĩ năng còn khá mới mẻ với nhiều người. Theo các diễn giả, đây là cách thức để các bạn có thể “đánh bóng” bản thân, tận dụng những ưu điểm để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Giữa hàng trăm những ứng cứ viên tiềm năng cùng ứng tuyển vào một vị trí thì “thương hiệu cá nhân”, giá trị khác biệt của bạn chính là yếu tố giúp sinh viên ghi điểm với nhà tuyển dụng. Các nhà tuyển dụng cũng khuyến khích các bạn trẻ không ngừng học hỏi, trải nghiệm những điều mới; chủ động và dám dấn thân vào các lĩnh vực mới mẻ và không ngại bắt đầu từ con số 0, từ những vị trí nhỏ nhất trong công ty.
Sinh viên hào hứng đặt câu hỏi cho các khách mời
Có thể nói, chương trình đã đến cho sinh viên một góc nhìn thực tế, những yêu cầu từ nhà tuyển dụng, những kỳ vọng vào sự phát triển và gắn bó của các nhân viên tiềm năng. Sinh viên Phạm Thanh Thủy – lớp Quản trị kinh doanh chia sẻ: “Em thấy đây là một chương trình vô cùng thú vị và bổ ích. Sau khi lắng nghe phần chia sẻ của các diễn giả, em đã biết thêm cách để tự trang bị cho mình những kiến thức, kĩ năng cần thiết để sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động cạnh tranh.” Hi vọng rằng trong tương lai, các bạn sinh viên sẽ có thêm nhiều những trải nghiệm thực tế với doanh nghiệp bên cạnh những kiến thức được học trên giảng đường.