Phạm Thị Hồng Nhung – cô sinh viên năm cuối ngành Thiết kế đồ họa & Kỹ thuật số tại Greenwich Việt Nam đã ứng dụng thành công Mixed-media vào kể chuyện bằng hình ảnh trong thiết kế đồ họa nhằm truyền tải vấn đề về môi trường.
Bắt nguồn từ sự say mê khám phá, sáng tạo các tác phẩm đồ họa, kỹ thuật số và nỗi trăn trở về thực trạng các vấn đề môi trường đáng báo động hiện nay, Phạm Thị Hồng Nhung – cô sinh viên năm cuối ngành Thiết kế đồ họa & Kỹ thuật số tại Greenwich Việt Nam, mới đây đã bảo vệ thành công đồ án tốt nghiệp với đề tài “Ứng dụng Mixed-media vào kể chuyện bằng hình ảnh trong thiết kế đồ họa nhằm truyền tải vấn đề về môi trường”.
Nhung cho biết, khi bắt đầu chọn đề tài, bản thân rất hứng thú với việc cho các kỹ thuật thủ công vào trong tác phẩm cuối của mình. Định nghĩa về “Mixed-media” trong đề tài của bạn là sử dụng nhiều hơn một chất liệu trong một tác phẩm, nó là một đối tượng hoàn hảo với hứng thú ban đầu của em.
Khi được hỏi về mục đích của đồ án tốt nghiệp, Nhung chia sẻ: “Nghiên cứu của em nhằm nâng cao tiềm năng của các kỹ thuật Mixed-media (collage, assemblage, found art, handmade element,…) để tạo ra các giải pháp thiết kế thú vị và hấp dẫn trong kể chuyện bằng hình ảnh. Từ đó mang tới những giải pháp hiệu quả để sử dụng Mixed-media trong thiết kế đồ họa, hỗ trợ các nhà thiết kế trở nên nổi bật hơn trong một thị trường đông đúc và đưa ra lời khuyên thiết thực về cách kết hợp Mixed-media vào các dự án thiết kế. Nghiên cứu cũng nhằm mục đích chứng minh hiệu quả của việc sử dụng Mixed-media để truyền đạt các vấn đề môi trường.”
Hồng Nhung muốn chứng minh hiệu quả của việc sử dụng Mixed-media để truyền đạt các vấn đề môi trường thông qua đồ án tốt nghiệp của mình.
Trong quá trình làm đồ án, khó khăn lớn nhất đối với cô sinh viên năm cuối ngành Thiết kế đồ họa & Kỹ thuật số Phạm Thị Hồng Nhung chính là tự vượt qua bản thân. Nhung bộc bạch rằng đây là lần đầu tiên bạn phải tự mình điều khiển một dự án cá nhân trong một thời gian dài, điều này yêu cầu sự kiên nhẫn, dám nghĩ dám làm và đôi khi là thất bại.
“Em thường là người gặp khó khăn khi đối diện với thất bại nên nó là thử thách lớn nhất với em trong quá trình làm đồ án. Sau khi thực hiện, em rút ra được bài học là tước đi cơ hội thất bại của bản thân cũng là tước đi thành công.” – Hồng Nhung nói.
ThS. Rian Dimas Permana Kusumah – giảng viên hướng dẫn lớp Design Research Project K10 mà Nhung theo học nhận xét về cô học trò:
“Đồ án tốt nghiệp của Nhung kết hợp cả kỹ thuật truyền thống và hiện đại. Hình ảnh của sản phẩm được trau chuốt nhờ sự kết hợp của các phương tiện truyền thông. Chủ đề cũng khá thú vị và cách em ấy kể câu chuyện thông qua các phương tiện truyền thông này rất tốt. Nhung là sinh viên tôi đã dạy khoảng một năm nay ở ba môn học liên quan đến Thiết kế đồ họa & Kỹ thuật số. Em ấy rất giỏi trong việc tiếp nhận các ý kiến của người khác để hoàn thiện bản thân. Tôi hy vọng rằng trong tương lai em ấy có thể quản lý thời gian của mình hiệu quả hơn và phát huy hết tiềm năng to lớn của mình.”
ThS. Rian Dimas Permana Kusumah cho biết Nhung là một sinh viên rất giỏi trong việc tiếp thu các ý kiến phản hồi của giảng viên.
Đồ án của Hồng Nhung hướng tới đối tượng là các bạn trong độ tuổi thanh thiếu niên. Nó không chỉ đơn thuần kêu gọi mọi người hãy trồng cây xanh để thế giới trở nên tốt hơn như các chiến dịch thường thấy. Qua đồ án, Nhung đã kể câu chuyện môi trường và cố gắng bỏ ngỏ một câu hỏi về việc trồng cây cho người đọc, cô bạn cho rằng đó là một cách mới lạ để mọi người tự suy ngẫm và hành động.
Một số hình ảnh về đồ án tốt nghiệp của sinh viên Phạm Thị Hồng Nhung: