Là một trong 10 gương mặt xuất sắc lọt vào vòng 2 của cuộc thi FPT Edu Biz 2018, Dreamweavers đang dần chứng tỏ mình là một đối thủ đáng gờm xứng đáng cho ngôi vị cao nhất của cuộc thi danh giá này. Gây ấn tượng từ cái tên cho đến ý tưởng ban đầu, liệu Dreamweavers có làm nên điều kỳ diệu mang về vinh quang cho bản thân và cho trường không? Chúng ta hãy cùng trò chuyện với các thành viên trong đội để tìm hiểu thêm nhé!
Xin chào Dreamweavers, trước hết xin chúc mừng toàn team đã xuất sắc lọt vào vòng 2 của FBiz, các em có thể giới thiệu một chút về đội của mình cho mọi người cùng biết không?
(Hoài Linh) Xin chào mọi người, nhóm Dreamweavers của chúng mình đến với FPT Edu Biz Talent 2018 lần này bao gồm 5 gương mặt chính, trong đó bốn thành viên thuộc khối ngành Quản trị Kinh doanh và một thành viên thuộc khối Thiết kế Đồ họa. Nhóm trưởng là mình, Nguyễn Hoài Linh, mình được các thành viên tin tưởng nhờ khả năng kết nối và dẫn dắt tập thể sau lần tham dự FPT EduCamp mới đây nên tại FBiz mình đảm nhiệm vai trò leader luôn. Tiếp đó là cô gái Vũ Thùy Dung, nguồn cảm hứng khơi gợi ý tưởng dự thi cho cả nhóm. Nhờ khả năng phân tích chi tiết, cặp bài trùng Nguyễn Mai Châu và Phạm Nguyễn Diệu Linh được gửi gắm nhiệm vụ thổi hồn cho Kaspar nhằm thiết lập lợi thế riêng của sản phẩm. Là gương mặt duy nhất từ ngành nghề luôn đề cao tính sáng tạo, xin dành lời khen cho Nguyễn Minh Hiếu, vị đạo diễn nhiệt thành phía sau thước video nhóm dự thi ở vòng sơ loại. Ngoài ra ở vị trí hỗ trợ và dự bị, Nguyễn Tài Khang hứa hẹn sẽ là một ẩn số gây bất ngờ cho chặng đường tranh tài phía trước.
Nguyễn Hoài Linh – Trưởng nhóm Dreamweavers
Dreamweavers là một cái tên khá ấn tượng, rất cảm hứng, vậy các em có thể chia sẻ ý nghĩa của cái tên này được không?
(Diệu Linh) Dreamweavers, những người thêu dệt ước mơ, là cái tên bắt nguồn từ buổi hội thảo mở FPT EduCamp 2018 mà nhóm đăng ký tham dự hồi cuối tháng 11 và đồng thời cũng được một bạn trong CLB Trợ giảng (GTA Club) gợi ý đề xuất. Lý do là vì các thành viên đều có một điểm chung, đó là luôn ấp ủ giấc mơ, hoài bão tạo ra những sản phẩm mới mẻ có thể gia tăng lợi ích cho cộng đồng xung quanh.
Một lý do hài hước khác, nhìn thoáng qua Dreamweavers có lẽ sẽ làm chúng ta liên tưởng tới hai dòng xe trứ danh Dream và Wave của hãng Honda. Vì vậy, chúng em mong rằng đội nhóm của mình sẽ là những “dân tổ” dẫn đầu đoàn trong cuộc đua FPT Edu Biz Talent 2018.
Phạm Nguyễn Diệu Linh – Thành viên
Các em có thể giới thiệu lại một chút về Kaspar và nguồn gốc của ý tưởng này cho mọi người hiểu rõ hơn được không?
(Thùy Dung) Dựa trên chủ đề chính của FPT Biz Talent mùa năm nay là Sharing Economy, nhóm chúng em với mục đích tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có trong xã hội, dựa trên hình thức cho thuê và trao đổi tài sản giữa người sở hữu với người có nhu cầu sử dụng. Đó chính là tiền đề hình thành nên ứng dụng Kaspar (Trong tiếng Hy Lạp, Kaspar là Vua châu báu).
Kaspar giúp những người đang trong thời gian tìm kiếm công việc và mong muốn có thêm cơ hội rèn luyện kỹ năng chuyên môn có thể tìm đến những người rao việc bận rộn cần tìm nhân lực phụ giúp công việc vặt. Ví dụ như sửa chữa tại gia, hỗ trợ tác vụ văn phòng, giao hàng, vận chuyển, bê tráp hay dọn dẹp nhà.
Điểm hấp dẫn của ứng dụng này là cả người nhận việc lẫn người rao việc có thể tối ưu hóa quỹ thời gian nhàn rỗi và nguồn nhân lực sẵn có. Bằng hình thức này, người nhận việc có thêm cơ hội để cải thiện thu nhập, tránh tốn kém thời gian, sức lực, trong khi người rao việc có thể dễ dàng tìm kiếm được người làm việc với giá cả hợp lý, phải chăng.
Vũ Thùy Dung – Thành viên
Bên cạnh việc đảm bảo chương trình học ở trên lớp, việc tham gia FBiz có khiến các em gặp khó khăn gì khi thực hiện triển khai ý tưởng này không?
(Mai Châu + Minh Hiếu) Mặc dù hình dung về Kaspar đã được phác họa ngay từ ban đầu, tuy nhiên trong quá trình nhóm triển khai thực hiện cũng gặp một số thách thức nhất định. Đầu tiên, chúng em chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và công cụ phân tích thông tin cụ thể về xu hướng thị trường hay cơ chế hoạt động của những sản phẩm tương tự khi chúng chưa ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam. Kế đến là sự eo hẹp về mặt thời gian, phần vì các thành viên đều đi học và đi làm cùng lúc, nên mỗi người phải cố gắng thu xếp công chuyện riêng gọn nhất có thể để ngồi lại bàn luận cùng nhau. Chính bởi lịch trình bận rộn nên nhóm luôn trong tâm thế sẵn sàng bứt tốc cùng deadline. Đơn cử 12/12 là hạn chót nộp video dự thi mà đến ngày 10 cả nhóm mới bắt đầu quay trong một buổi sáng để đêm ngày 11 là chỉnh sửa hoàn thiện. Bên cạnh đó còn là trục trặc nho nhỏ như khi nhóm tìm kiếm địa điểm quay, vấn đề thời tiết, đạo cụ diễn xuất. Dẫu vậy, nhờ những thử thách này mà sáu thành viên Dreamweavers càng thêm đoàn kết, thấu hiểu lẫn nhau hơn, nhằm hoàn thành suôn sẻ nhiệm vụ chung.
Nguyễn Mai Châu – Thành viên
Nguyễn Minh Hiếu – Thành viên
Những người thêu dệt ước mơ chắc chắn có khá nhiều ước mơ đang được ấp ủ, nhóm có thể bật mí là toàn team đã đặt những mục tiêu gì ở FBiz được không?
(Hoài Linh) Mục tiêu hàng đầu mà Dreamweavers đề ra chính là thử thách bản thân mình trong một cuộc thi giàu tính cạnh tranh, nơi mỗi cá nhân sẽ phải phát huy tối đa khả năng, kỹ năng, và tư duy sáng tạo để cùng chung tay xây dựng ý tưởng về một sản phẩm hay dịch vụ chia sẻ hiệu quả, không những xét về mặt kinh tế, mà còn mang giá trị phát triển bền vững.
Hơn nữa, cuộc thi này đem đến vô vàn trải nghiệm thú vị liên quan đến góc nhìn kinh doanh thực tiễn từ các chuyên gia và các nhà chuyên môn dựa trên một ý tưởng sơ khai mà không phải bất kỳ bạn sinh viên nào cũng sẽ có cơ hội tiếp cận và học hỏi.
Là đại diện cho trường, nhóm chúng em mong muốn truyền tải tinh thần của Đại học Greenwich, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chia sẻ đến những đội thi thuộc các đơn vị khác nhau trong FPT Education khắp mọi miền đất nước. Đồng thời qua đó nhấn mạnh hơn nữa ý nghĩa chia sẻ mà cuộc thi hướng đến về một thời đại Sharing Economy.
Cảm ơn Dreamweavers, chúc các em sẽ giành được ngôi vị cao nhất tại FBiz cũng như dệt lên cho mình những ước mơ thật đẹp nhé!