Tôi là Văn Đức Gôn, sinh viên khoá VI của Greenwich Việt Nam. Tôi vừa trở về sau chuyến đi “Hành Trình Sinh Tồn – Survival 2018” hay còn được chúng tôi nói đùa là “Hành trình sống còn” do nhà trường tổ chức.
Tôi là 1 đứa con trai có ngoại hình mập mạp, hơi lười vận động, sợ bẩn, sợ mệt. Khi nghe tin tức về chuyến đi này tôi và chính những người bạn của tôi không nghĩ rằng tôi sẽ tham gia và vượt qua nổi chặng đường 30km đường đồi núi của Tà Năng – Phan Dũng. Nhưng rồi, với bản tính ham vui tôi đã đổi ý và đăng ký tham gia vào những phút cuối chương trình. Trước ngày xuất phát, đoàn chúng tôi được ban tổ chức tổ chức họp đoàn để giới thiệu về nhóm, địa điểm, lộ trình, những thứ cần chuẩn bị,… Tôi chuẩn bị hành trang cho chuyến đi lần này thật gọn nhất với những đồ dùng cá nhân, ít tiền lẻ phòng thân, 3 chai nước nhỏ, thuốc đau bụng, xịt chống muỗi và một túi đồ ăn.
Chúng tôi chụp hình kỷ niệm trước khi lên đường
Hành lý của chúng tôi nhỏ gọn hơn những lần đi chơi khác nhưng vẫn gây kiệt sức, oằn nặng trên vai với quãng đường đi bộ dài…
Vào khoảng 21h tối ngày 29/3/2018 chúng tôi tập trung ở trường chụp ảnh kỷ niệm đoàn rồi lên xe xuất phát chuyến Hành trình Sinh Tồn – Survival 2018. Nằm trên xe, tôi có cảm giác rất khó tả: vừa vui, vừa hồi hộp. Tôi lo rằng mình có vượt qua nổi không, trong chuyến đi liệu có làm gì phiền mọi người trong đoàn hay không?. Những suy nghĩ đấy cứ quay vòng vòng trong đầu khiến tôi và các bạn cứ rôm rả chia sẻ cảm xúc mãi cho đến khi xe dừng tại điểm đầu tiên. 4h sáng ngày 30/3 đoàn sinh viên chúng tôi xuống xe để dùng bữa sáng, điều đầu tiên cảm nhận được là cái thời tiết se se lạnh của vùng đất Tây Nguyên nơi đây. Tôi co ro, miệng run cầm cập vì lạnh, các bạn thi nhau khởi động, nhảy nhót để làm ấm cơ thể. Anh leader của nhóm bưng cho tôi 1 tô phở bò nóng hổi, trong khi đó anh Trung và anh Nanh Rồng (2 người dẫn đường hành trình Tà Năng – Phan Dũng) giới thiệu về bản thân rồi dặn dò những điều cần nhớ cho chúng tôi. Các anh có cảnh báo về những khó khăn và xác định lại tinh thần tham gia cho chúng tôi với cuộc hành trình này. Nhưng đoàn tôi rất mạnh mẽ và không ai dừng có ý định dừng cuộc trải nghiệm. Thú thật, tâm trạng của tôi lúc đó rất hoang mang vì lo cho chính sức khoẻ của mình, lo lắng cho quyết định đăng ký đi lần này mình có vượt qua được không?
Được cảnh báo từ trước, dù có hồi hộp, lo lắng nhưng đoàn chúng tôi vẫn không ai có ý muốn dừng cuộc trải nghiệm
Khi ăn sáng xong chúng tôi di chuyển đến bìa rừng Tà Năng (Lâm Đồng), chia đội để lên xe công nông di chuyển thêm khoảng 4km vào điểm xuất phát hành trình. Chuyến xe công nông thật sự là trải nghiệm kinh hoàng. Chiếc xe được xếp đầy người, chạy với tốc độ “bàn thờ” trên địa hình “quỹ đạo đường sin” khiến ai nấy chúng tôi la hét như đi tàu lượn siêu tốc. Ai nấy đều vui cười sảng khoái.
Đi xe công nông vào bìa rừng là một trong những trải nghiệm độc, lạ, thú vị nhất mà chúng tôi trải qua
Khởi động căng cơ trước khi lên đường
Đúng 6h sáng, chuyến đi ‘Tà Năng-Phan Dũng’ đã thực sự bắt đầu.
Đúng 6h sáng, chuyến đi ‘Tà Năng-Phan Dũng’ đã thực sự bắt đầu.
Các anh trong đoàn phân phát túi ngủ, miếng lót, gậy trekking và hướng dẫn chúng tôi cách khởi động cho nóng các cơ, tránh căng cơ và chuột rút khi di chuyển. Chị Phương My (chị cán bộ nhà trường bé nhỏ, xinh xắn) thì phát mỳ tôm hộp, tấm khăn rằn, thức ăn cho đội và dải băng mầu xanh dương cùng dòng chữ “I S2 GREENWICH” để cột vào ba lô giúp chúng tôi nhận biết đoàn của mình. Đoàn tôi bắt đầu di chuyển những bước chân đầu, đi được tầm 30p thì được nghỉ chân. Lúc đó chưa thấy mệt, chỉ thấy trên vai rất nặng vì tham lam mang theo 1 đống đồ ăn vặt. Tiếp tục, tiếp tục đi, chúng tôi vượt qua khoảng 6km đường bằng thì gặp cột mốc số 31 và đồng thời cũng gặp con dốc đầu tiên. Con dốc khá cao, ai nấy chúng tôi đều chinh phục dễ dàng với một tinh thần còn hăm hở nhưng gặp thêm vài con dốc nữa thì ác mộng đã bắt đầu. Vừa đi, vừa thở hổn hển, mồ hôi đầm đìa, miệng thì khô căng vì khát nước. Tôi tự động viên bản thân rằng “Mọi người làm được, nhất định mình phải làm được”, câu nói đó đã theo tôi suốt cả chặng đường, giúp tôi không nản lòng và bản thân cố gắng vượt qua.
Những con dốc và đường đi hiểm trở bắt đầu hiện ra…
Tôi cố gắng bước đi càng nhanh càng tốt vì sợ mình bị tụt lùi ở sau rồi nản lòng. Mọi người vừa đi vừa hát rôm rả, trêu đùa, những ai sợ mất sức như tôi thì được hướng dẫn vươn lên đi đầu để nếu được nghỉ ngơi thì nghỉ chân nhiều hơn. Chuyến đi cứ thế mà tiếp tục, leo qua không biết bao nhiêu ngọn đồi tôi làm quen được thêm được nhiều bạn mới. Chúng tôi mỗi khi lên dốc lại đùa nhau với giới hạn 5 phút để vượt qua, “Nếu phút thứ 6 thì bị đánh nha!”…Cứ 2-3 lần “5 phút” như vậy chẳng mấy chốc đã đến con đồi. Các anh chị trong Ban tổ chức hướng dẫn mọi người tìm củi, nhóm lửa để chuẩn bị bữa ăn trưa. Những chú cá lóc mang từ Sài Gòn được chúng tôi nâng niu trên tay suốt chặng đường khó khăn đến bây giờ trở thành món ăn thơm ngon cho cả đoàn. Ăn uống xong, mọi người cũng nằm xuống nghỉ ngơi chợp mắt 1 tí. Đến 1h30 thì chuyến hành trình lại tiếp tục, mồ hôi, sự khát nước lại tiếp tục, những cung đường đồi dốc lại hiện hữu ra trước mắt nhưng không vì thế mà tôi nản lòng. Chặng đường tiếp theo đây khó khăn cũng không kém gì những chặng trước, nhưng khi nghe anh Nanh Rồng nói là qua cái dốc cuối này sẽ đến nơi tập kích để nghỉ ngơi thì tôi mừng lắm. Nhưng khi đi xuống con dốc này tôi mới biết nó kinh khủng như thế nào. Con dốc này được đoàn tôi gọi là “con dốc bà nội”;”con dốc má ơi”;….
Những con dốc “Mẹ ơi”, “Ông bà nội ơi” đã từng làm khó chúng tôi
Đi mãi, đi mãi chả thấy con suối đâu, nhưng rồi chúng tôi cũng đến con suối – nơi tập kích và vội thay bộ đồ chạy xuống suối ngâm mình với dòng nước mát lạnh. Dòng suối cuốn theo những bụi bẩn và sự mệt nhọc của ngày hôm đó. Đến giờ ăn tối, chúng tôi mỗi người một tay cùng nhau chuẩn bị bữa ăn thịnh soạn giữa núi rừng. Cảm giác đói được xua tan bởi món thịt luộc, thịt heo xào bắp cải, thịt nướng, cháo gà tự tay chúng tôi lần đầu làm ra.
Sau giờ ăn, đoàn tôi tập trung lại hát hò và ngồi lại bên nhau tới tận 10h30 rồi về lều ngủ.
Tôi và bạn cùng đùa giỡn sau buổi ăn tối lần đầu tiên tại rừng Tà Năng – Phan Dũng
Sáng ngày hôm sau ngày 01/4, chúng tôi thức dậy lúc 5h30 để vệ sinh cá nhân, ăn sáng và thu dọn hành lý để tiếp tục hành trình. 7h sáng đoàn chúng tôi tiếp tục leo dốc, vượt những con suối, khoảng 10h thì đến con thác lớn tên Yaly để dừng chân ăn trưa. Đoàn chúng tôi chạy xuống thác để cảm nhận dòng nước mát lạnh nơi đây, do thiếu nước, chúng tôi được hướng dẫn kỹ năng lọc nước, dự trữ thêm nước cho đoạn đường sắp tới. Sau đó, chúng tôi lại đi tầm khoảng 5 – 6km vượt qua 7 con suối nhỏ để đến nơi có xe địa hình tự chế của người dân nơi đây chờ sẵn để di chuyển xuống đồng bằng. Cảm giác ngồi trên xe địa hình tự chế đó thật “cool”, nhưng cũng rất sợ hãi, vượt qua những địa hình hiểm trở thì chúng tôi cũng xuống được đồng bằng.
Run sợ trên những chiếc xe thồ điêu luyện giữa núi rừng Tà Năng – Phan Dũng là một trải nghiệm cực cool.
Sau khi hoàn thành hành trình kinh khủng mà vui này, bản thân tôi từ 1 đứa cực kỳ sợ bẩn, sợ mệt, không chịu khó, bình thường thì chỉ biết cắp sách đến trường rồi lại về nhà, cuộc sống được bao bọc đôi khi ỷ lại trong vòng tay bố mẹ, thậm chí chẳng bao giờ làm việc gì nặng quá, đến việc ăn cơm bố mẹ còn lo cho từng tí. Nhưng một khi đã đăng ký hành trình đến lúc khoác ba lô đi là chấp nhận ngủ rừng, uống nước suối, phơi nắng và thiếu nguồn nước sạch thì tôi đã trở nên trưởng thành hơn, vượt qua được chính giới hạn của bản thân mình, không còn sợ bẩn, không còn sợ mệt và biết đặt mục tiêu và cố gắng vượt qua khó khăn. Khi cảm thấy nản lòng nhất tôi lại nhìn vào các anh chị đi top đầu để cố gắng đi tiếp và đến nơi an toàn. Tôi cảm thấy bản thân mình thật giỏi chịu đựng, bản thân mình cũng không yếu như mình nghĩ. Nếu như tôi không tham gia chuyến hành trình lần này thì tôi đã bỏ lỡ 1 điều làm cho thanh xuân của tôi thêm đẹp, đã không quen được những người bạn mới, đã không có trải nghiệm đáng sợ khi leo những con đồi…
Tôi (đứng thứ 2 từ trái sang) và các bạn mới trong chuyến Hành Trình Sinh Tồn – Survival 2018 của mình
Nhờ chuyến đi này tôi đã quen được rất nhiều bạn và anh chị mới. Chúng tôi từ những con người xa lạ nay đã cùng nhau vượt qua mọi khó khăn khi gặp phải trên dọc đường, biết san sẻ thức ăn và nước uống. Đây sẽ là kỷ niệm khó phai trong chính cuộc đời của tôi. Cảm ơn Greenwich Việt Nam, cảm ơn “Hành Trình Sinh Tồn – Survival 2018” đã cho tôi những trải nghiệm thật đáng nhớ, cảm ơn tất cả mọi người trong chuyến hành trình.
Sài Gòn, ngày 04/04/2018,
Văn Đức Gôn – Bảo Bảo from with love