Ngày 31/7, những thủ lĩnh tương lai của Chương trình Cử nhân Quốc tế Greenwich đã có một ngày rong ruổi khắp các ngõ hẻm của Hà Nội để hoàn thành “Thử thách kẹp giấy”: bằng tài thuyết phục, tìm cách đổi chiếc kẹp giấy bình thường lấy vật có giá trị hơn.
Thử thách này nằm trong chuỗi các hoạt động của Khóa học “Leadership In Action – Thử thách Khả năng Lãnh đạo”, do Chương trình Cử nhân Quốc tế Greenwich tổ chức, dành cho tất cả các sinh viên đang theo học tại đây.
Bắt đầu ngày thứ 3 của Khóa học, các học viên đã có mặt tại một quán cà phê trên phố Hàng Chĩnh để gặp gỡ người hướng dẫn và nhận nhiệm vụ.
Sau vài trò chơi khởi động, các bạn sinh viên tham dự thực hiện thủ tục “Check In” – nói ra những điểm mà bản thân họ cảm thấy yếu và muốn cải thiện. Giám sát, hướng dẫn sinh viên trong toàn bộ Khóa học là hai diễn giả Thùy Dương và Hoàng Dũng. Thử thách mà hai diễn giả mang tới cho những thủ lĩnh tương lai là “Thử thách kẹp giấy”.
Thử thách này xuất phát từ câu chuyện có thật về chàng thanh niên Canada dùng chiếc kẹp giấy để đổi lấy vật ngang giá với điều kiện cậu ta sẽ đem đến tận nơi cho người cần đổi. Sau hơn 1 năm với nhiều lần đổi chác, anh ta đã có 1 căn nhà.
Các bạn sinh viên được chia làm 6 đội nhỏ, mỗi đội được cấp 1 chiếc kẹp giấy. Thử thách của hai diễn giả đưa ra đó là từng nhóm phải thực hiện thành công 5 lần trao đổi từ chiếc kẹp giấy ban đầu đó. Không mất quá lâu để lên kế hoạch chi tiết về hành trình chinh phục “Thử thách kẹp giấy”, các nhóm nhanh chóng lao ra ngoài và tiếp cận bất kỳ người khách lạ nào mà họ gặp.
Tôi may mắn được giao nhiệm vụ đi theo và hỗ trợ nhóm F, nơi tôi được thấy những phẩm chất đáng tự hào của sinh viên FPT. Sau khi nhận nhiệm vụ, 4 thành viên của nhóm F đi bộ dọc theo các con phố Hàng Mắm, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện…, bắt chuyện với bất cứ ai gặp trên đường với hi vọng đổi được chiếc kẹp giấy lấy một đồ vật khác giá trị hơn. Lần đầu tiên, nhóm chúng tôi gặp một anh thanh niên đang ngồi uống trà đá trên phố Hàng Mắm. Dù rất có thiện chí trao đổi nhưng anh ấy lại không có vật gì trên người để có thể giúp chúng tôi.
Lần thứ hai, chúng tôi gặp một cô bán ổi trên đường và đã đổi được chiếc kẹp giấy lấy 1 quả ổi. Trước khi tạm biệt cô, nhóm không quên lời nhắn: “Cô hãy cầm chiếc kẹp này về và kể với con gái mình rằng, hôm nay cô đã đổi nó bằng một quả ổi để giúp đỡ những sinh viên của trường ĐH FPT”.
Hành trình cứ thể tiếp tục và thành công liên tục đến, từ quả ổi đổi được các bạn sinh viên tiếp tục đổi được móc chìa khóa, rồi 1 gói bánh, một tậm thiệp 3D đẹp mắt. Không chỉ đơn thuần là để hoàn thành nhiệm vụ, cả 4 thành viên trong nhóm đã quyết định làm những điều mới mẻ và khó khăn hơn. Từ tấm thiệp đổi được, họ đã thuyết phục và bán lại cho người đi đường, dùng số tiền đó tái đầu tư mua kẹo tại siêu thị và tiếp tục bán lại để có lãi.
“Thử thách kẹp giấy” kết thúc thành công, khi cả nhóm quay trở lại điểm tập kết đúng thời gian quy định với tổng số tiền thu được gần 200.000 đồng, bắt đầu từ chiếc kẹp giấy ban đầu được giao.
2 giờ chiều, cả 6 nhóm tham gia thử thách cùng “hội quân” để kể cho nhau nghe những câu chuyện mình đã trải qua. Được hỏi về cảm xúc sau khi tham gia “Thử thách kẹp giấy”, bạn Ngô Việt Anh (sinh viên năm nhất – thành viên nhóm B) chia sẻ: “Tôi sử dụng từ “Đẹp” để tả về cảm xúc sau thử thách này bởi hành trình là quãng thời gian đẹp nhất trong đời tôi kể từ cấp 3 đến giờ. Tuy ngắn ngủi, nhưng tôi đã được nói chuyện với rất nhiều người ở những độ tuổi khác nhau, được trải nghiệm nhiều thử thách, được chia sẻ tâm tư, nỗi lòng mình.
“Và tôi thích cảm giác được ngồi lại với mọi người, để cùng bàn luận tâm sự về cuộc sống sau mỗi buổi học, được anh chị chỉ bảo, bạn bè chia sẻ, truyền đạt về những cách làm việc hiệu quả tập trung, cách kiềm chế cảm xúc. Tôi tôn trọng và nâng niu điều đó bởi vì nó sẽ giúp rất nhiều cho cuộc sống của tôi không chỉ bây giờ mà còn là mãi sau này.”, Việt Anh bồi hồi.
Bạn Nguyễn Thị Huyền (thành viên nhóm B), cho biết rằng mình đã trưởng thành hơn rất nhiều sau “Thử thách kẹp giấy”: “Tôi cảm thấy mình trưởng thành, mạnh mẽ hơn. Dù đôi lúc có những người không tin những lời tôi nói, vài người còn có ý xua đuổi, nhưng quan trọng hơn tôi và các bạn trong nhóm không hề cảm thấy chán nản, vẫn luôn giữ nhiệt huyết để làm tốt công việc của mình cho đến khi hết thời gian. Bởi chúng tôi biết, khó khăn chỉ là nhất thời, quan trọng là nghĩ tích cực và tin rằng mọi việc sẽ trở lên tốt đẹp”
Nguyễn Hà Linh