Trải qua gần 1 tháng học tập tại Greenwich Việt Nam, niềm vui, háo hức ban đầu của các tân sinh viên chắc hẳn cũng đã bị thay thế phần nào bởi “nỗi sợ” mang tên assignments và “gánh nặng” deadline. Chặng đường học tiếng Anh dự bị không hề dễ dàng với nhiều sinh viên “lớp mầm”, đặc biệt là các bạn trước giờ chỉ chuyên học khối tự nhiên. Đừng lo lắng! Các thầy cô Greenwich Việt Nam tại 4 cơ sở luôn ở đây sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của các bạn!
Thầy James William Doyle
Thầy James hiện là giảng viên tiếng Anh – Greenwich Việt Nam tại Hà Nội. Thầy đến từ Ireland và đã giảng dạy tiếng Anh 12 năm ở Việt Nam và tại Greenwich Việt Nam.
Cô Trần Lê Ngọc Hà
Giảng viên tiếng Anh – Greenwich Việt Nam tại Đà Nẵng. Cô học bằng thạc sĩ TESOL tại Đại học Victoria, Australia. Chứng chỉ CELTA tại Trường International House Sydney ở Australia và có hơn 4 năm giảng dạy tiếng Anh tại nhiều cơ sở ở Hà Nội, Úc và tại Đà Nẵng cho sinh viên quốc tế.
Thầy Nguyễn Văn Sa
Thầy hiện là Trưởng bộ môn tiếng Anh – Greenwich Việt Nam tại TP.HCM. Thầy có bằng TESOL của Đại học Curtin, Australia và đã giảng dạy tiếng Anh cho sinh viên các trường đại học lớn hơn 10 năm.
Cô Lê Ngân Hà
Cô là Trưởng bộ môn tiếng Anh – Greenwich Việt Nam tại Cần Thơ và đã có hơn 10 năm kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh cho sinh viên các trường đại học lớn tại Cần Thơ.
“Chẩn đoán” các vấn đề tân sinh viên thường gặp trong chương trình tiếng Anh dự bị
Thầy Sa: Có thể thấy rằng sinh viên Greenwich Việt Nam rất năng động và sáng tạo. Tuy nhiên, các em sinh viên trong giai đoạn đầu thường gặp một số bỡ ngỡ nhất định, nhất là ở các lớp tiếng Anh đầu tiên ở Greenwich Việt Nam bởi các em chưa quen với cách dạy và học tiếng Anh ở đây.
Cô Ngọc Hà: Các em chưa định hình được phương pháp học tập phù hợp cho bậc Đại học là chủ động, tìm hiểu, nghiên cứu, tự học và đặt câu hỏi. Thay vào đó các em vẫn thụ động chờ được cung cấp kiến thức như ở THPT. Nhiều bạn còn sợ kĩ năng Listening và Speaking do không có điều kiện luyện tập ở bậc THPT.
Thầy James: Có thể nhìn thấy tân sinh viên của Greenwich Việt Nam được chia làm 2 nhóm rất khác biệt. Một nhóm các em đến từ các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ,… có điều kiện đi học tiếng Anh ở các trung tâm và tiếp xúc với tiếng Anh chuẩn từ sớm. Một nhóm là các bạn đến từ các vùng nông thôn chưa có điều kiện tiếp cận đến tiếng Anh chuẩn.
Nhóm các bạn thành thị có lợi thế lớn và thích nghi với môi trường rất nhanh. Tuy nhiên, nhiều em trong số đó còn quá tự tin, trong lớp thường hay ngồi nghịch máy tính hoặc điện thoại.
Trong khi các tân sinh viên đến từ nông thôn cần sự hỗ trợ đặc biệt bởi việc hòa nhập với môi trường quốc tế gần như là một cú sốc văn hóa với các em.
Nghe – Nói tiếng Anh trên lớp 24/7 liệu có thực sự đáng sợ?
Thầy Sa: Các thầy cô nói tiếng Anh 100% là để các sinh viên có môi trường Anh ngữ tốt nhất giúp phát triển các kỹ năng giao tiếp. Đối với các lớp Level 3,4,5, sinh viên sẽ không gặp nhiều khó khăn nghe hiểu giảng viên. Riêng Level 1,2 thì tỉ lệ sử dụng tiếng Anh -Việt trong lớp thường là 7-3 để các bạn làm quen dần.
Cô Ngân Hà: Sẽ hơi lạ lẫm và thử thách lúc đầu cho các bạn sinh viên, tuy nhiên việc giảng dạy luôn kết hợp nhiều phương thức như đưa ra ví dụ minh họa, trình chiếu, hình ảnh, video… Sự đa dạng này sẽ khiến cho các em tư duy ngôn ngữ tốt hơn, giảm bớt sự ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ.
Thầy James: Khóa học Top Notch, Summit 1 và 2 tập trung nhiều vào Listening và Speaking. Nhiều sinh viên tập trung quá nhiều vào viết chính là một vấn đề rất lớn. Thầy viết ngữ pháp trên bảng, các em chép lại và rất ít nếu không muốn nói là hầu như không có giao tiếp bằng tiếng Anh. Các em phải học cách thay đổi và làm quen với việc bị thử thách bởi các giảng viên nếu các em muốn thành công.
Các em cần phải chăm chỉ, nghe nhiều nhạc tiếng Anh, xem phim Anh ngữ và không bật phụ đề. Các em cần nhanh chóng thoát khỏi lối học thụ động truyền thống, tương tác nhiều hơn với giảng viên bản ngữ và tự đôn đốc bản thân.
Làm sao để vượt qua “nỗi sợ vô hình”?
Thầy James: Học ngôn ngữ vốn là một việc khó khăn, nhàm chán và chậm nhìn thấy kết quả. Nhưng các em phải nhìn vào thực tế hiện nay, tiếng Anh là bắt buộc phải có. Nhiều em có thói quen không làm nhiều bài tập và không tập trung trong lớp từ THPT. Vào đại học là một khởi đầu mới cho các em và các em nên lấy đó làm cơ hội để bước sang một trang mới với môn tiếng Anh.
Cuối cùng là, đừng hy vọng sẽ nói thành thạo tiếng Anh. Ngôn ngữ duy nhất mà tất cả chúng ta đều thành thạo đó là tiếng mẹ đẻ. Các em hãy chỉ cần tập trung vào khả năng giao tiếp, nói được và được hiểu là đủ!
Cô Ngọc Hà: Các em hãy luyện tập nghe và nói mỗi ngày. Hãy tập thói quen dành 30 phút mỗi sáng hoặc tối mở các video hoặc chương trình sử dụng tiếng Anh như BBC hoặc Tedtalk. Nếu các em cảm thấy quá khô khan, hãy lựa chọn cho mình một chương trình yêu thích khác như American Master Chief hay các bộ phim trên Netflix. Khi nghe hãy cố gắng phát âm theo, nói theo lời của nhân vật. Dần dần các em sẽ nhận ra kĩ năng nghe và phát âm của mình cải thiện đáng kể .
Với kĩ năng viết, hãy thử cố gắng viết nhật kí mỗi ngày bằng tiếng Anh, hoặc viết ra các mục tiêu các em mong muốn đạt được trong thời gian tới. Bất cứ chủ đề gì các em thích, hãy viết, cứ viết, đừng ngại sai, hãy cứ viết và nhờ các thầy cô tiếng Anh mình góp ý. Chúng ta chỉ có thể khắc phục khó khăn nhược điểm bằng cách luyện tập.
Thầy Sa: Môi trường học tiếng Anh ở Greenwich Việt Nam rất thoải mái và tự do. Sinh viên có thể trao đổi với giảng viên những vấn đề mình gặp phải hay cần hỗ trợ thêm ngoài việc học trên lớp. Nếu em nào cảm thấy stress hoặc đuối trên lớp, hãy cứ trao đổi trực tiếp với giảng viên về vấn đề của mình để giảng viên đứng lớp giúp em theo kịp các bạn trong lớp, cũng như chia sẻ thêm với các em những cách để tự trau dồi thêm Anh ngữ tại nhà.
Cô Ngân Hà: Các em cũng nên xác định mục tiêu và chiến lược học càng chi tiết càng tốt. Và đặc biệt, các em cần quyết tâm và tin tưởng vào quyết định chọn Trường của mình mà từ đó nỗ lực. Hãy nhìn nhận việc học Tiếng Anh cho toàn bộ năm đầu như là một cơ hội để thay đổi bản thân và là thử thách để tìm thấy niềm vui và ý nghĩa của việc học. Đây vốn dĩ là mục tiêu cao nhất của giáo dục thay vì là điểm số.
Thầy cô đánh giá như thế nào về chương trình tiếng Anh dự bị tại Greenwich Việt Nam?
Thầy James: Lợi thế lớn nhất chính là nguồn giáo trình, học liệu và thiết bị giảng dạy đều xuất sắc. Tôi đã dạy qua nhiều trường học công và dân lập. Greenwich Việt Nam tiên tiến hơn tất cả các trường đó. Sinh viên có giáo trình chuẩn, thiết bị âm thanh, hình ảnh chất lượng cao. Đội ngũ giảng viên cả người nước ngoài và người bản địa đều có trình độ cao và nhiệt huyết.
Hơn nữa, sinh viên ở Greenwich Việt Nam có môi trường tuyệt vời để phát triển với nhiều câu lạc bộ, các khóa học kỹ năng mềm khuyến khích các em sử dụng tiếng Anh tự nhiên trong cuộc sống hằng ngày.
Cô Ngọc Hà: Trước khi theo học tiếng Anh dự bị tại trường, sinh viên được tham gia bài thi đầu vào và được xếp lớp phù hợp với trình độ của mình. Từ đó các thầy cô sẽ có phương pháp phù hợp với các bạn ở từng giai đoạn.
Thầy Sa: Sinh viên được tạo môi trường học tập không thể nào tốt hơn, và được trau dồi tiếng Anh liên tục 6 ngày/tuần, điều này sẽ giúp sinh viên nhanh chóng cải thiện cả 4 kĩ năng tiếng Anh của mình.
Cô Ngân Hà: Giáo trình đi từ nền tảng, căn bản nhất của quá trình học nên dù mất căn bản vẫn có thể bắt đầu lại từ đầu. Tiếng Anh dự bị của Greenwich Việt Nam không chỉ rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ mà còn cung cấp kiến thức về văn hóa, lối sống và tư duy của con người và văn hóa nước Anh nói riêng, và phương Tây nói chung. Chỉ khi thay đổi tư duy phù hợp với thế kỷ mới thì sinh viên mới có thể trở thành công dân toàn cầu, tri thức và trách nhiệm với cộng đồng!
Thầy cô “tung chiêu” tạo hứng thú cho sinh viên học tiếng Anh và nhanh tiến bộ
Thầy Sa: Giảng viên của Greenwich Việt Nam luôn sáng tạo và kết hợp nhiều hoạt động trong giảng dạy phù hợp cho từng lớp và mang lại hứng thú cho sinh viên.
Cô Ngọc Hà: Hiện nay cô đang áp dụng phương pháp flipped learning trong các lớp học của mình. Các bạn sẽ được giao một vài nhiệm vụ/bài tập trước mỗi buổi học và có sự chuẩn bị trước khi đến lớp, lúc này tại lớp cô sẽ chỉnh sửa những điểm bạn làm chưa đúng và hướng dẫn bạn phát triển các nội dung mới dựa trên những kiến thức bạn đã chuẩn bị. Cách học này giúp sinh viên luyện tập thói quen chủ động trước mỗi bài học của mình, tư duy và phát hiện được lỗi sai của chính mình. Từ đó các em sẽ nhớ lâu và kỹ hơn. Lúc này, vì đã chuẩn bị một phần kiến thức tại nhà, lượng lý thuyết sẽ giảm đi và các thầy cô sẽ có thời gian để tập trung vào thực hành và giải đáp thắc mắc với các bạn. Thực hành thì bao giờ cũng vui hơn nghe lý thuyết đúng không nào? Bên cạnh đó, các công cụ như quizlet, kahoot hoặc flashcard với hình ảnh âm thanh cũng rất hữu dụng trong việc giúp các em nhớ từ vựng mỗi ngày. Các em hãy review sau mỗi buổi học nhé!
Cô Ngân Hà: Bên cạnh đó, rèn cho sinh viên kĩ năng tự học, tự nghiên cứu, đặt câu hỏi phản biện giảng viên khi cần. Kết hợp dạy ngôn ngữ với cập nhật kiến thức xã hội, khoa học, công nghệ…, nghĩa là dùng Tiếng Anh như công cụ để đạt được tri thức.
Thầy James: 3 yếu tố chính trong việc học ngôn ngữ là phát âm, ngữ pháp và từ vựng. Tuy nhiên, khi mới bắt đầu học, làm sao để nói được và nghe được bằng tiếng Anh là quan trọng nhất. Tôi luôn khuyến khích sinh viên của mình: hãy nói, nói và nói! Các em đừng sợ các bạn khác sẽ cười khi mình mắc lỗi. Hãy tìm một bạn nào đó trong lớp có chung mục tiêu và nghiêm túc học tiếng anh để luyện nói với bạn ở trên lớp và cả ngoài giờ học nữa thì tốt. Bài kiểm tra không phải là mục tiêu chính của các em đâu! Tất nhiên các em phải qua môn nhưng học nói là mục đích cuối cùng và quan trọng nhất!