Vừa qua, dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT, Cục ATTT và Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA), FPT cùng 4 đơn vị hàng đầu khác của Việt Nam trong lĩnh vực bảo mật, an toàn thông tin đã thành lập Liên minh Xử lý Mã độc và Phòng chống Tấn công mạng tại Hà Nội.
Tại hội thảo và triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng Việt Nam 2019 (Vietnam Security Summit 2019), Liên minh xử lý mã độc và phòng chống tấn công mạng đã được ra mắt, các thành viên sáng lập bao gồm 5 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực an toàn thông tin tại Việt Nam hiện nay: Trung tâm An ninh mạng FPT, Công ty an ninh mạng Viettel, Trung tâm an toàn thông tin VNPT, Công ty cổ phần BKAV và Công ty An ninh an toàn thông tin CMC.
Liên minh được thành lập nhằm đoàn kết, tập hợp lực lượng, từ đó tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin phục vụ công tác đảm bảo an toàn thông tin quốc gia và cộng đồng người dùng Internet tại Việt Nam.
Theo đại tá Đỗ Anh Tuấn – phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), hoạt động tấn công nhằm vào hệ thống mạng thông tin quốc gia của Việt Nam đang diễn biến phức tạp, nguy hiểm, nguy cơ mất an toàn thông tin vẫn ở mức cảnh báo cao.
Trong năm 2018, các đơn vị an toàn thông tin của Việt Nam đã phát hiện hơn 4.000 trang tin, cổng thông tin điện tử tên miền quốc gia bị tấn công, xâm nhập. “Các tin tặc đã sử dụng nhiều dòng mã độc, đa dạng, với hàng trăm tên miền cho máy chủ điều khiển để tấn công vào hệ thống mạng thông tin của các cơ quan trọng yếu nước ta” – ông Tuấn cho biết.
“Bên cạnh đó, hoạt động sử dụng mã độc tống tiền tấn công các cơ quan, tổ chức của nước ta ngày càng gia tăng, thông tin tài khoản các dịch vụ trên Internet không được bảo vệ, liên tục bị lộ lọt, sử dụng vào các mục đích chính trị, thương mại gây bất an cho người sử dụng”, ông Tuấn cho biết thêm.
Phát biểu tại Vietnam Security Summit 2019, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Năm 2019, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia. An toàn, an ninh mạng là yếu tố sống còn để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia”. “Từ 5 đơn vị ban đầu này, Liên minh sẽ không ngừng lớn mạnh. Chúng ta chỉ có thể thành công khi liên minh lại, không chỉ trong nước mà cả quốc tế nữa“. Bộ trưởng cũng chia sẻ Việt Nam có cơ hội trở thành cường quốc về an toàn, an ninh mạng. Và chúng ta sẽ không bỏ lỡ cơ hội ấy.
Với mục tiêu “đưa Việt Nam thành cường quốc an ninh mạng”, Bộ trưởng yêu cầu bên cạnh việc phát triển các doanh nghiệp, sản phẩm và nhân lực an toàn, an ninh mạng Việt Nam, phải giám sát chặt chẽ an toàn không gian mạng, đảm bảo an toàn mạng cho các cơ quan của Chính phủ và các hạ tầng trọng yếu quốc gia, có khả năng phục hồi khi bị tấn công.
Tại buổi ra mắt, các thành viên trong liên minh “Xử lý mã độc và phòng chống tấn công mạng” đã cùng nhau thống nhất thỏa thuận hợp tác với 4 mục tiêu. Trước hết là thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa cơ quan nhà nước, Hiệp hội và doanh nghiệp nhằm cung cấp, phát triển những sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ cho cộng đồng, xã hội.
Đồng thời sẽ tăng cường mối quan hệ tin cậy, gắn kết, chia sẻ giữa các doanh nghiệp lớn đang làm về an toàn thông tin tại Việt Nam, nhằm huy động và gắn kết sức mạnh của doanh nghiệp trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
Các thành viên của liên minh thống nhất sẽ cùng nhau bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức và người dân Việt Nam trước các nguy cơ tấn công mạng. Liên minh cũng đặt mục tiêu “Giảm tỉ lệ lây nhiễm mã độc tại Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia có môi trường mạng an toàn, tin cậy”.
Theo Chungta